Kỳ thi chung quốc gia: Băn khoăn về số lượng cụm thi

Thứ bảy, 27/09/2014, 17:38 GMT+7

Ngày 26/9, Bộ GD&ĐT đã tổ chức “họp kín” với các trường ĐH, CĐ và các Sở Giáo dục thuộc các tỉnh thành phía Nam để thảo luận về công tác tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015.

Kỳ thi chung quốc gia: Băn khoăn về số lượng cụm thi - 1

Thí sinh vẫn còn băn khoăn lo lắng về phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 mà Bộ GD&ĐT đưa ra

Theo nguồn tin của Tiền Phong tại hội nghị, nhiều vấn đề khá nóng và mới được các đại biểu đưa ra và Bộ GD&ĐT đã tiếp thu, ghi nhận.

Tham dự tại hội nghị, nhiều đại biểu các sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ ngỏ ý băn khoăn về số lượng cụm thi. Bởi nếu cụm thi phân bổ không đều và thiếu hợp lý sẽ dẫn đến nhiều khó khăn, áp lực cho cả thí sinh và địa phương đứng ra tổ chức thi.

Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương nói: “Nếu cụm thi quá ít sẽ gây nhiều khó khăn cho các thí sinh và phụ huynh như quãng đường đi thi xa, số lượng thí sinh tập trung về mỗi cụm thi sẽ đông dẫn đến thiếu nơi ăn chốn ở trong thời gian diễn ra thi cử”.

Đồng tình ý kiến trên, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Chúng ta cần phải tính toán phân bổ thế nào để tăng thêm cụm thi một cách hợp lý. Tránh tình trạng một hội đồng thi chỉ có vài thí sinh tham dự, gây lãng phí lớn. Chưa nói đến việc chất lượng hội đồng thi có đảm bảo theo yêu cầu của Bộ”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Liên quan đến vấn đề này, Bộ tiếp thu và cân nhắc. Bộ sẽ làm việc với các hiệu trưởng trường ĐH, CĐ, các giám đốc sở để đưa ra những con số cụ thể về cụm thi. Quan điểm của Bộ là không cứng nhắc về số lượng cụm thi”.

Cần có mã số đăng ký dự thi

Đó là kiến nghị của TS Nguyễn Quốc Chính (ĐHQG TPHCM) trình bày tại hội nghị. Theo TS Chính, với 1 mã số, mỗi thí sinh sẽ dùng mã số đó trong suốt quá trình tổ chức thi và xét tuyển. Điều này giúp cho các trường ĐH, CĐ thuận lợi trong việc xét tuyển.

Đơn cử, khi thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường nào, trường đó chỉ cần tra mã số trên cơ sở dữ liệu của Bộ sẽ có ngay thông tin, kết quả thi của mỗi thí sinh. Bộ nên thống nhất cấp mã số cho thí sinh trên toàn quốc.

Liên quan đến việc sẽ tăng lượng ảo, gây khó khăn cho các trường ĐH, CĐ trong việc tuyển sinh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Việc này trước mắt chúng ta phải chấp nhận để cho các cháu có nhiều lựa chọn, nhiều cơ hội đậu vào các trường ĐH, CĐ. Các trường cũng có thêm nhiều lựa chọn xét tuyển thí sinh hơn. Chúng ta phải chấp nhận lượng ảo vì quyền lợi của các cháu”.

Ngoài ra, ông Chính góp ý thêm, trong cơ sở dữ liệu của Bộ cần thêm thông tin về thí sinh càng nhiều sẽ giúp cho công tác xét tuyển của các trường ĐH,CĐ thuận lợi, nhanh chóng giúp giảm phiền phức cho thí sinh.

Cụ thể như ngoài thông tin về tên tuổi, quê quán, điểm thi,… cần có thêm thông tin về địa chỉ, kết quả học tập của thí sinh trong những năm học phổ thông. Bởi hiện nay nhiều trường, trong đó có ĐHQG TPHCM ngoài việc căn cứ vào điểm số trong kỳ thi quốc gia trường còn xem bảng điểm của 5 hoặc 6 học kỳ của THPT làm căn cứ xét tuyển.

Nên cấp 3 phiếu kết quả thi cho thí sinh?

Đây là vấn đề được rất nhiều đại biểu tham dự hội nghị quan tâm. GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường ĐH Luật TPHCM thắc mắc: “Để tránh tình trạng lượng ảo tăng chúng ta cần khống chế số lượng cấp phiếu kết quả thi cho mỗi thí sinh.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ cấp 3 phiếu trong trường hợp thí sinh đưa hết cả 3 phiếu đó vào các trường top trên để xét tuyển mà không đậu thì thí sinh có được cấp thêm nữa không. Bộ cần có phương án nào để mỗi thí sinh có thêm nhiều cơ hội xét tuyển ở các trường ĐH, CĐ khác?”.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng trường ĐH Đồng Tháp: “Mỗi thí sinh được phép cấp 3 phiếu kết quả dùng để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ hay là mỗi khối thi được cấp 3 phiếu. Vấn đề này cần phải tính toán để tránh làm mất đi cơ hội vào ĐH, CĐ của mỗi thí sinh”.

Trao đổi về vấn đề này, đại điện Bộ GD&ĐT, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, bộ sẽ đưa ra 3 phương án lựa chọn cho thí sinh khi tham gia vào kỳ thi quốc gia.

Theo đó, thí sinh một là đăng ký tham dự kỳ thi này để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT; hai là vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ để xét tuyển vào ĐH, CĐ; ba là chỉ dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

“Việc cấp cho mỗi thí sinh 3 hay 5 phiếu kết quả chỉ là cách làm cũ. Đó là cho các thí sinh tối đa bao nhiêu nguyện vọng. Chúng ta sẽ cải tiến hơn trong cách làm mới này, có nhiều đợt tuyển sinh, xét tuyển, mỗi đợt xét tuyển ĐH, CĐ, thí sinh sẽ được đăng ký trên website, đăng ký bằng giấy cho các trường rồi chuyển về bộ phận dữ liệu của Bộ.

Tại đây, dữ liệu kết quả thi của thí sinh đã có trong phần mềm của Bộ. Việc trúng tuyển vào khối nào của trường thí sinh đăng ký xét tuyển sẽ cho kết quả ngay. Mọi kết quả thi của thí sinh, phần mềm cơ sở dữ liệu sẽ nắm rõ nhất. Cứ như thế, nếu thí sinh không trúng tuyển ở trường này thì có thể đăng ký xét tuyển ở những trường khác”, ông Trinh cho biết.


Theo nguồn 24h.com.vn
Người viết : Theo Văn Minh (Tiền Phong)


Copyright © CÔNG TY TNHH TƯ VẤN GIÁO DỤC ĐỨC VIỆT